Giới thiệu
Saigon Co.op có tiền thân là Ban Quản lý Hợp tác xã Mua Bán thành phố. Đến năm 1989, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương chuyển đổi thành Liên hiệp hợp tác xã mua bán TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), là tổ chức kinh tế hợp tác xã theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể, hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Năm 1998, Liên hiệp hợp tác xã mua bán TP. Hồ Chí Minh đổi tên thành Liên Hiệp Hợp Tác Xã Thương Mại TP. Hồ Chí Minh. Sau một thời gian dài hoạt động ở khu vực phía Nam, năm 2010, Co.opmart Sài Gòn tại thủ đô Hà Nội-siêu thị phía Bắc đầu tiên ra đời, hệ thống siêu thị Co.opmart phát triển trên mọi miền đất nước, Co.opmart đạt 50 siêu thị trên toàn quốc.
Hệ thống Co.opmart của Saigon-Co.op là một trong những thương hiệu quen thuộc của người dân TP. Hồ Chí Minh và người tiêu dùng cả nước. Từ một siêu thị đầu tiên, Co.opmart đã nhanh chóng phát triển và lan tỏa, trở thành nơi mua sắm đáng tin cậy của người tiêu dùng Thành phố. Ngày nay, Co.opmart đã thật sự trở thành "ngôi chợ" văn minh, hiện đại với gần 100 siêu thị hoạt động trên mọi miền đất nước. Bên cạnh Co.opmart, Saigon-Co.op còn phát triển Đại siêu thị với thương hiệu Co.opXtra và đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn với thương hiệu Co.opXtraPlus, Chuỗi Cửa hàng thực phẩm Co.op Food, trung tâm thương mại Sense City, SC VivoCity... Trong năm 2017, Saigon-Co.op đã đạt được kết quả rất tích cực. Tổng doanh số đạt gần 30.000 tỷ đồng, Co.opXtra tăng trưởng xuất khẩu khoảng 30%. Phát triển thành công thêm 130 điểm bán mới gồm Co.opmart, Sense City, Co.op Smile, Co.op Food. Trong đó đẩy mạnh mở rộng phát triển mạng lưới Co.op Food tại các tỉnh thành lớn 16 cửa hàng, và đặc biệt là cho ra mắt 2 mô hình mới Sense Market và cửa hàng tiện lợi Cheers. Năng suất chuẩn bị hàng hóa tại các kho trung tâm tăng 30% và gia tăng hiệu quả quản lý tồn kho toàn hệ thống. Tích cực tham gia bình ổn thị trường cũng như các hoạt động cộng đồng. Năng suất lao động vượt kế hoạch và thu nhập bình quân người lao động tăng.